(HNM) - Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) được biết đến là vùng trồng rau lớn của Thủ đô. Mỗi ngày, vùng rau này cung cấp cho thị trường 200-300 tấn rau, củ, quả chất lượng bảo đảm. Nhờ canh tác rau an toàn, chất lượng đời sống của nông dân nơi đây ngày càng được nâng cao, nhiều hộ dân đã có mức thu nhập từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm.
Thu hoạch rau an toàn tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Ảnh: Trọng Tùng |
Những ngày này về thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) đâu đâu cũng thấy thương lái tấp nập ra vào, nườm nượp những chuyến xe chở rau, củ, quả đi tiêu thụ. Ông Đàm Văn Đua ở thôn Đông Cao cho biết, gần 10 năm nay, nghề trồng rau ở đây đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập cao, vươn lên làm giàu. Ngoài điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, người dân thôn Đông Cao còn nhạy bén đưa nhiều giống rau có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. “Nhà tôi có gần 2 mẫu ruộng, mỗi năm trồng được 4 lứa củ cải, 2 lứa rau ăn lá. Từ đầu năm đến nay, củ cải được giá, thương lái về tận ruộng thu mua 6.000-7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về 400 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trồng ngô trước đây”, ông Đàm Văn Đua cho biết.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Sang cũng là hộ sản xuất rau an toàn với quy mô lớn ở thôn Đông Cao. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông Nguyễn Văn Sang đã đầu tư hơn 400 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, phun sương cho cây rau nên chi phí sản xuất và công chăm sóc giảm, nhờ đó, lợi nhuận tăng khá. Với gần 1ha trồng rau an toàn, mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Sang thu nhập từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tráng Việt Trần Đức Trọng, khu đất bãi ven sông Hồng của thôn Đông Cao có diện tích hơn 200ha, trong đó có 134ha đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 5ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Do nơi đây là vùng bãi bồi, đất đai phì nhiêu nên người dân trồng được 6-7 lứa rau/năm, trong đó chủ lực là củ cải, cà chua, cải ngồng, mướp đắng, cải ngọt, lặc lè... Sản lượng bình quân đạt 60.000-70.000 tấn/năm. Yếu tố thuận lợi nữa là nhờ thị trường tiêu thụ rộng lớn, giá cả ổn định nên thu nhập bình quân của các hộ dân trong thôn Đông Cao đạt từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm; cá biệt có hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm.
Tuy chất lượng cây rau đã được khẳng định, đem lại thu nhập cao, song nhiều nông dân vùng rau an toàn Đông Cao vẫn băn khoăn vì sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Trần Đức Trọng, hạn chế lớn nhất của các hộ trồng rau ở thôn Đông Cao nói riêng và xã Tráng Việt nói chung là hạ tầng giao thông, điện lưới phục vụ sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có nhà sơ chế rau... Ngoài ra, do chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm nên rau an toàn Đông Cao vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường và thường xuyên bị thương lái ép giá...
Để khắc phục những bất cập, hỗ trợ bà con vùng trồng rau yên tâm sản xuất, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, hiện nay, ưu tiên hàng đầu của huyện là đẩy nhanh tiến độ xin cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm, đăng ký tem nhãn nhận diện cho cây rau an toàn Đông Cao. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo xã Tráng Việt tập trung hoàn thiện 20 bộ hồ sơ sản phẩm rau an toàn để đề nghị thành phố công nhận sản phẩm OCOP vào cuối năm 2020... “Khi giải quyết được những khó khăn, bất cập nêu trên và được thành phố công nhận sản phẩm OCOP, chắc chắn rau an toàn của Đông Cao sẽ nâng giá trị trên thị trường”, ông Phạm Thành Đô kỳ vọng.
Nguồn: https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/co-so/823700/hieu-qua-tu-trong-rau-an-toan-o-dong-cao
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.